Bà cụ khốn khó ấy hình như đã về quê, nơi ấy có đứa con tàn tật đã bốn chục tuổi đầu không nuôi nổi mình. Bà rời nơi đây buổi sáng thì buổi chiều ông ta xuất hiện. Mảnh đất toen hoẻn chỉ vài mét vuông là nơi tá túc của bao nhiêu con người cơ hàn ,chẳng thể nhớ hết họ là ai và từ đâu đến.

Thoạt đầu tôi tưởng ông là người của Công ty môi trường vì thấy lúc nào trong tay cũng cầm chổi, bê thúng gom rác vào một nơi. Đôi khi nổi hứng, ông đeo băng đỏ, tuýt còi, mắng xơi xơi các bà hàng rong quen thói vứt rác bừa bãi ra đường. Cũng nhiều người khó chịu, nhưng những cô bán quà sáng ở đây lâu năm lại như thầm cảm ơn ông vì họ có chỗ ngồi sạch sẽ, yên ổn. Thỉnh thoảng họ mời ông ăn quà như một khách quen.

Những ngày giáp Tết, đường đông như trẩy hội. Đám cửu vạn đã vãn dần. Họ về quê đoàn tụ với gia đình sau một thời gian lao động cật lực và đã tích cóp được một khoản tiền kha khá cho gia đình. Cuối năm người ta đua nhau dọn nhà, các loại phế thải lại ùn ùn tống khứ ra đường. Người đàn ông ấy vẫn đi gom, đi quét. Trời cuối năm rét căm căm mà áo ông vẫn ướt đẫm mồ hôi. Ông đứng trước cửa nhà tôi, chống chổi nghỉ tay. Ông nói trong tiếng gió rít  ù ù:

- Trong nhà có rác cô mang ra đây cho con.

- Cảm ơn bác, để tôi dọn nhà xong rồi đổ luôn một thể!

Ông vẫn đứng đấy như chờ đợi. Tôi bắt chuyện:

- Bác tên là gì ấy nhỉ ? Bác làm ở Công ty môi trường lâu chưa.

- Con là Được. Người ta độc mồm độc miệng cứ gọi con là “Được hâm”, “Được khèo” “Được quét rác”. Con làm cốt kiếm miếng ăn chứ có phải người của Nhà nước đâu cô!

- Thế quê bác ở đâu? Năm hết Tết đến rồi, bác nghỉ mà về sum họp với gia đình thôi chứ!

Câu hỏi thật vô tình nhưng tôi đã chạm vào nỗi đau của người đàn ông tóc đã pha sương, tật nguyền xa xứ. Ông ngồi bệt xuống thềm cùng tôi, đôi mắt đỏ ngàu, chùm cơ dưới má giật giật. Ông đang đưa tôi về một làng quê Thái Bình xa xôi nghèo khó của hơn năm mươi năm về trước:

"Bố mẹ con mất sớm. Con được ông chú ruột đón về nuôi. Không may sau một trận ốm “thập tử nhất sinh”, chân tay con co quắp rồi trở thành tàn tật. Vợ chồng người chú độc ác, lừa đưa con lên tận Lào Cai, rồi quay về bảo với họ hàng là con đã chết để chiếm hết ruộng vườn hương hỏa. Trời thương  kẻ côi cút nên nhờ thuốc của một ông người dân tộc trên ấy, con đã lần đi được và tự kiếm ăn bằng đủ mọi nghề. Con dạt về đây đã hơn ba mươi năm rồi. Nói thật với cô, cái nghề quét rác ở thành phố không chết đói được đâu,nhiều người thương con lắm. Con đang tích góp bao giờ đủ tiền sẽ về quê thưa kiện, đòi lại nhà lại đất để còn thờ cúng thầy u con nữa chứ!”.

Chí ông lớn quá! Tôi thầm cảm phục, móc túi biếu ông ít tiền để có bữa ăn tất niên thật sự khác ngày thường.

Điều ấy chẳng xảy ra, bởi ngay buổi tối dưới chiếc lều xiêu vẹo, trống trơ lại xuất hiện một gã đàn ông mặt nặng như chì, tóc bết từng mảng tựa như quết hồ, thân hình cóc cáy như vừa móc dưới cống lên. Anh ta nằm dài trên manh chiếu lạnh ngắt trông chẳng khác nào một cái xác chết. Ông Được với đôi tay tàn tật đang chặt chặt băm băm trên tấm lưng bè bè, rồi tiếng dỗ dành như cha nói với con:

- Thôi! Chừa đi nhé! Năm hết Tết đến rồi, hãy lần về với vợ con kẻo cái thân làm tội cái đời!

Đấy là đêm hai mươi chín Tết. Hai con người tha hương đã ôm nhau ngủ cho tới sáng. Buổi chiều tôi đi sắm Tết về, ông Được ngồi ủ rũ trước thềm với cái giọng khàn đục nặng nề như bầu trời xám ngắt cuối năm, báo cho tôi cái tin dưới hai hàng nước mắt :

- Nó chết rồi cô ơi! Nghiện ngập quá chẳng kiếm đâu được ra tiền, dại dột leo lên cột điện lấy dây đồng thế là ngã xuống vỡ sọ!

Tôi chợt thốt lên : “Trời đất!”.

Ông bảo : “Nghĩa tử là nghĩa tận, con cố đi viếng kẻ xấu số kẻo nó nằm lạnh lẽo quá!”.

Rồi ông cầm nắm hương lê bước về mạn bờ sông giữa những cơn gió rét thấu xương của ngày cùng tháng tận.

Những ngày đầu năm người ta nườm nượp đổ ra đường du xuân. Rồi rác cũng lại đống to đống nhỏ khắp mọi nơi. Ông Được như vui hơn bởi trong đám hổ lốn ấy, ông kiếm được khối thứ.

Để đáp lại lời chúc Tết và mừng tuổi  của tôi, ông vỗ vỗ vào chiếc bao tải đang đè nặng trên lưng: “Con đã gom được hòm hòm rồi cô ạ!. Chắc rằm tháng Giêng này con sẽ về Thái Bình để thắp hương cho thầy u con. Thế mà đã quá nửa đời người xa quê rồi còn gì!”.

Ông gò mình vác chiếc bao tải về căn lều xơ xác rồi xoạc cẳng ngồi say sưa đếm những đồng tiền lẻ.Nét mặt ông trông rạng rỡ hơn ngày thường rất nhiều. Tôi thầm mong cho ước mơ ấp ủ suốt một đời người của ông thành sự thật. Nơi ấy đã từ lâu có thể họ không còn nhớ ông Được là ai nhưng ông là kẻ li hương vì cớ sinh nhai nhưng không bao giờ li quê.